Phỏng vấn Tổng Giám đốc PIXTA VIETNAM – Ryo Kobari
Bài phỏng vấn trên Tạp chí thông tin Hà Nội – Việt Nam: “Viethich”
Công ty TNHH PIXTA VIETNAM hiện được biết tới là cơ sở phát triển hệ thống tại nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn PIXTA, một tập đoàn được thành lập tại Nhật Bản năm 2005 nhằm triển khai các dịch vụ dựa trên tiêu chí xây dựng một nền tảng sáng tạo, kết nối tài năng trên toàn thế giới. Để hiểu hơn về tập đoàn PIXTA và Công ty TNHH PIXTA VIETNAM, hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu đến các bạn bài phỏng vấn ông Ryo Kobari – Tổng Giám đốc Công ty PIXTA VIETNAM.
Trước khi bắt đầu bài phỏng vấn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Công ty TNHH PIXTA VIETNAM và ông Ryo Kobari nhé!
Về Tập đoàn PIXTA
“Chúng tôi luôn luôn tâm niệm rằng, sứ mệnh của Công ty là: “kết nối tài năng và làm cho thế giới tích cực hơn”, tức là tận dụng tối đa hóa Internet để đưa những người sáng tạo sản phẩm đến gần hơn với người sử dụng và xây dựng một xã hội năng động, đa dạng.
Từ sứ mệnh trên, Công ty đã xây dựng và phát triển Website mua bán tư liệu kỹ thuật số trực tuyến như hình ảnh, illustration (hình minh họa), footage (phim ngắn thương mại)… theo mô hình Marketplace, hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng sáng tạo hàng đầu Châu Á.
Về Website mua bán tư liệu kỹ thuật số online PIXTA
PIXTA cung cấp hệ thống thương mại điện tử PIXTA – mạng lưới trung gian giữa người bán (nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư) và người mua (bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu sử dụng hình ảnh có bản quyền). Sản phẩm của PIXTA bao gồm hình ảnh, tranh minh hoạ, phim ngắn thương mại và audio.”
[Trích: https://pixta.co.jp/]
Về Công ty TNHH PIXTA VIETNAM
PIXTA VIETNAM được thành lập vào tháng 5 năm 2016 và là cơ sở phát triển hệ thống tại nước ngoài đầu tiên của Tập đoàn PIXTA.
Hoạt động của PIXTA VIETNAM
Gồm 3 Nhóm hỗ trợ trụ sở chính tại Nhật Bản
- Nhóm DEV (phát triển hệ thống): Phát triển, vận hành 1 phần hệ thống của PIXTA.
- Nhóm Review: Kiểm tra nội dung, chất lượng, tính thẩm mỹ của hình ảnh và phim ngắn thương mại được đăng tải bởi các cộng tác viên trên toàn thế giới.
- Nhóm Post-production (chỉnh sửa hậu kì): Chỉnh sửa các tư liệu kỹ thuật số do Công ty tự thực hiện.
Lĩnh vực phát triển hệ thống do PIXTA VIETNAM phụ trách
Bao gồm:
- Một phần công việc phục vụ khách hàng và CTV chụp ảnh tại nước ngoài.
- Xử lý dữ liệu hình ảnh.
- Công cụ nội bộ.
- Hệ thống tìm kiếm.
- Phát triển thử nghiệm ứng dụng Machine Learning…
Về Tổng Giám đốc PIXTA VIETNAM – Ông Ryo Kobari
Ông Ryo Kobari ban đầu gia nhập Pixta.Inc với vị trí Kỹ sư, sau đó trở thành Trưởng phòng Phát triển và hiện tại đang là Tổng giám đốc của PIXTA VIETNAM.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng đến với bài phỏng vấn ông Ryo Kobari nhé!
- Chào ông, ông có thể cho chúng tôi cũng như các bạn độc giả biết cơ duyên nào đã đưa ông đến với Tập đoàn PIXTA được không ạ?
Lần đầu tiên tôi biết đến Tập đoàn PIXTA là qua người sáng lập Tập đoàn – ông Daisuke Komata, vào năm 2005 – thời điểm mà Công ty mới thành lập.
Tôi gặp Chủ tịch Komata lần đầu là vào năm 2005, khi ông ấy đến nơi tôi đang thực tập thuê phòng để tự mở Công ty của mình. Khi đó, ông ấy ngồi ở hàng ghế ngay trước mặt tôi.
Ông Komata mời tôi về làm việc tại Công ty của ông ấy nhiều lần và thường hay giới thiệu về PIXTA cho tôi nghe như: hình thái ban đầu, lĩnh vực hoạt động của Công ty… Ở thời điểm hiện tại, có lẽ đề nghị của ông Komata quả thực sẽ là vô cùng hấp dẫn nhưng đối với tôi lúc bấy giờ, trước một người hiếm biểu lộ tình cảm như ông Komata, tôi chẳng thể hình dung ra được tầm nhìn xa trông rộng hay đam mê, nhiệt huyết của ông ấy. Tôi băn khoăn không biết rằng” “Liệu những bức ảnh nghiệp dư như vậy thì có thể bán được hay không?” nên tôi đã từ chối ông ấy khoảng 3 lần.
Tuy nhiên, 2 năm sau đó, vào năm 2007, tôi tình cờ gặp lại ông Komata và bị ấn tượng sâu sắc bởi ý tưởng “sử dụng internet làm bệ phóng đưa những tài năng bị ẩn giấu đi khắp thế giới” của ông ấy. Ngoài ra, lúc đó vừa khéo cũng là một thời điểm thích hợp để tôi đi đến quyết định gia nhập vào Tập đoàn PIXTA.
Hiện tại, ở năm thứ 10 làm việc tại Tập đoàn, tôi vinh hạnh được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc Công ty PIXTA VIETNAM.
- Theo ông, sức hút của PIXTA là gì?
Sức hút lớn nhất của PIXTA theo tôi là đến từ môi trường làm việc của nhân viên. Khi bạn là nhân viên của PIXTA, dù bạn ở vị trí nào đi chăng nữa, Công ty đều sẽ cung cấp cho các bạn một không gian mở, một môi trường làm việc thoải mái để các bạn tự do phát huy khả năng của bản thân. Ở đây, sẽ không có tình trạng “trên bảo dưới nghe”, cấp trên quyết định công việc cho cấp dưới mà chúng tôi sẽ chỉ ra cho các bạn cảm giác mục tiêu lớn ở một mức độ nhất định, sau đó để các bạn tự quyết định vai trò của mình. Nhờ đó, qua quá trình tự mình suy nghĩ, và thực hiện những việc mà các bạn cho là tốt và cần thiết, các bạn sẽ có thể tìm kiếm được những cơ hội cho bản thân. Bên cạnh đó, chúng tôi đánh giá cao những nhân viên có năng lực thực sự và miễn là các bạn luôn bắt kịp tiến độ làm việc tại Công ty, các bạn có thể làm được mọi việc và có cơ hội để thử thách với nhiều người, nhiều công việc khác nhau.
Có lẽ đối với những người chờ chỉ đạo của cấp trên để làm việc thì việc dựa vào năng lực tư duy của bản thân để thách thức với mọi sự việc sẽ hơi khó khăn một chút nhưng nếu bạn là một người có ý thức tự tìm hiểu và giải quyết vấn đề thì tôi tin rằng, PIXTA sẽ là một môi trường làm việc tuyệt vời dành cho bạn.
- Xin ông hãy cho biết chi tiết quá trình mở rộng phạm vi hoạt động của Tập đoàn tại Việt Nam.
Năm 2015 – tròn 10 năm kể từ khi tôi biết ông Komata, tôi đã đến Việt Nam.
Lý do PIXTA lựa chọn Việt Nam làm một điểm dừng chân là bởi ở thời điểm năm 2015, việc tuyển dụng kỹ sư của Tập đoàn tại Nhật Bản gặp phải nhiều khó khăn, và đồng thời, đó cũng là giai đoạn tăng tốc mở rộng hướng ra nước ngoài nên chúng tôi cho rằng việc đặt cơ sở phát triển tại nước ngoài là rất cần thiết.
Và trong rất nhiều những sự lựa chọn, chúng tôi đã chọn Việt Nam vì sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều doanh nghiệp IT Nhật Bản. Sau đó, ở bước đầu tiên, tôi đã cùng các cán bộ Tập đoàn đến Việt Nam thị sát.
Nơi chúng tôi đến thị sát là một Công ty đã phát triển nghiên cứu thành công tại Việt Nam – Công ty Framgia. Ở Công ty này có môi trường thích hợp nhất để chúng tôi thử nghiệm phát triển cũng như có những kỹ sư hàng đầu luôn giúp đỡ chúng tôi hết mình.
Và cuối cùng, sau nửa năm thử nghiệm chúng tôi nhận ra rằng, sự phát triển tại Việt Nam phi hợp với hình thức mà PIXTA mong muốn và do đã có kế hoạch sẽ thành lập cơ sở tại Việt Nam từ trước nên vào tháng 5/ 2016 chúng tôi đã tiến hành thành lập Công ty TNHH PIXTA VIETNAM.
- Quả thật là người Việt Nam phù hợp với công việc phát triển hệ thống phải không ạ?
Đúng vậy. Ở Nhật Bản, IT là ngành đứng đầu trong nhóm các ngành khoa học tự nhiên nhưng hầu như không có nhiều Kỹ sư phần mềm. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước đang đặt trọng tâm phát triển về IT, do đó có thể dễ dàng tuyển dụng được những nhân viên ưu tú.
Bên cạnh đó, người Việt Nam cũng rất siêng năng và nghiêm túc trong công việc, hoàn toàn phù hợp với tính cách người Nhật. Có thể nói là gần gũi với phong cách làm việc của Nhật Bản hơn là phương Tây.
- Hiện tại, PIXTA VIETNAM có tổng cộng bao nhiêu nhân viên?
Hiện tại, tính đến tháng 11/ 2017 PIXTA VIETNAM có khoảng 40 nhân viên, trong đó chủ yếu là nhân viên thuộc các Nhóm: Phát triển hệ thống, Review và Post-production (chỉnh sửa hậu kì). Chúng tôi đang có dự định tuyển dụng thêm nhiều thành viên gia nhập Công ty trong tương lai gần.
- Nội dung công việc cụ thể của Nhóm Review và Nhóm Post-production là gì ạ?
Ở Việt Nam hay Nhật Bản đều có Nhóm Review và nhiệm vụ của Nhóm này là tiến hành sàng lọc, kiểm duyệt chất lượng của từng hình ảnh và video được gửi đến từ các cộng tác viên trên toàn thế giới. Nội dung kiểm duyệt là xác nhận xem sản phẩm đó có phù hợp để tung ra thị trường hay không cùng nhiều tiêu chuẩn khác.
Ngoài đội ngũ cộng tác viên trên khắp thế giới, tại PIXTA còn có một đội ngũ sáng tạo sản phẩm của chính mình (tự chụp ảnh, quay video để bán). Nhóm Post-production ở Việt Nam và Nhật Bản sẽ thực hiện chỉnh sửa những sản phẩm ấy.
- Ông cảm thấy thế nào khi làm việc thực tế cùng những kỹ sư người Việt Nam?
Như tôi đã trình bày ở trên, do Việt Nam đặt trọng tâm vào phát triển Web nên có rất nhiều người lựa chọn nghề kỹ sư Web như một nghề đứng đầu ngành Khoa học tự nhiên. Bên cạnh đó, nền tảng khoa học máy tính ở Việt Nam cũng rất phát triển, do đó có thể dễ dàng tuyển dụng được những nhân viên tài giỏi.
Mặt khác, sự khác biệt về văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản đôi khi cũng có ảnh hưởng tới quá trình làm việc giữa chúng tôi. Tôi cho rằng vấn đề này không chỉ nằm ở phía các kỹ sư người Việt mà nếu cả 2 phía không lý giải được sự khác biệt lẫn nhau này thì khó mà hợp tác chung được.
Ngoài ra, nhìn chung ngành IT tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại chủ yếu là outsourcing, tức là các Công ty sẽ nhận đơn hàng xây dựng hệ thống từ khách hàng tại Nhật Bản hay nước ngoài sau đó các kỹ sư của Công ty sẽ thực hiện dưới tiêu chí chỉ cần đáp ứng được hết những gì khách hàng yêu cầu là OK.
Tuy nhiên, ở PIXTA, chúng tôi vận hành dựa trên dịch vụ và sản phẩm của chính mình nên luôn khuyến khích các kỹ sư đứng trên vị trí của người sử dụng để suy nghĩ xem họ cần những gì, và hiệu quả đạt được ra sao để phát triển hệ thống và luôn sẵn sàng thay đổi sao cho phù hợp dựa trên những phản hồi từ người sử dụng. Theo tôi, đây chính là lợi ích lớn nhất mà các kỹ sư thu được khi làm việc tại Công ty và tôi mong rằng, cũng giống như yêu cầu của chúng tôi đối với các kỹ sư người Nhật, các kỹ sư Việt Nam sẽ không chỉ phát triển sản phẩm theo yêu cầu (như mô hình offshore) mà có thể tự sáng tạo sản phẩm riêng của Công ty.
Chúng tôi làm việc với nhau trên tinh thần hợp tác cùng phát triển, ngay cả khi bạn không làm việc ở PIXTA nữa, Công ty vẫn luôn khuyến khích bạn thách thức bản thân trước ý tưởng thành lập Công ty dịch vụ của riêng mình.
Nguồn ảnh:https://www.facebook.com/pixtaVN/
- Ông có thể chia sẻ những khó khăn lớn nhất ông gặp phải khi hoạt động trong lĩnh vực hàng đầu Việt Nam này được không ạ?
Đầu tiên phải kể đến sự bất đồng văn hóa giữa 2 đất nước Việt Nam và Nhật Bản dẫn đến đôi khi xuất hiện những bất cập khi áp dụng những kinh nghiệm quản lý của tôi tại Nhật Bản vào Công ty ở Việt Nam. Tôi vẫn đang suy nghĩ và thay đổi từng ngày sao cho phù hợp nhất có thể.
Bên cạnh đó, còn một khó khăn nữa là vấn đề liên lạc với trụ sở chính tại Nhật Bản. Bởi vì tôi đang làm việc từ xa nên do khoảng cách, trường hợp phát sinh những lỗi liên lạc là không thể tránh khỏi. Do đó, đây cũng đang là một thách thức lớn đối với tôi.
- Xin ông hãy chia sẻ những định hướng phát triển của Công ty trong tương lai.
Trong vòng 1, 2 năm tới, tôi mong muốn đào tạo các kỹ sư có thể tự sáng tạo sản phẩm và có trình độ kỹ thuật để hỗ trợ phát triển nền tảng của PIXTA. Ngoài ra, vì số lượng nhân viên Công ty đã tăng đáng kể, tôi muốn tiếp tục củng cố hệ thống quản lý chất lượng và quản lý nhân viên một cách vững chắc và quy mô.
Mặc dù hiện tại Công ty đã có phòng nghiên cứu và phát triển, nhưng tôi muốn tiếp tục thử thách với việc nâng cao năng lực đội ngũ kỹ sư Việt Nam trong ứng dụng Machine Learning, tối ưu hóa thời gian thử nghiệm…
- Ông còn điều gì muốn chia sẻ thêm không ạ?
Chúng tôi đang tìm kiếm các kỹ sư, Director, Designer người Nhật muốn làm việc tại Việt Nam, vì vậy nếu bạn quan tâm xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
____________________________________________________________
Cảm ơn ông đã tham gia bài phỏng vấn của chúng tôi ngày hôm nay!
Theo: Viethich – Tạp chí thông tin Hà Nội – Việt Nam