Screenshot 2024 04 03 At 09.04.16
03Th4

Ba hiểu lầm phổ biến về chế độ tuyển dụng trọn đời ở Nhật Bản

Screenshot 2024 04 03 At 09.04.16
Chế độ tuyển dụng trọn đời (Pixta stock item ID 59623051)

“終身雇用 – Shūshin koyō” – hay tuyển dụng trọn đời – cùng với “tuyển dụng hàng loạt sinh viên mới tốt nghiệp – tăng lương thưởng, thăng tiến theo thâm niên – chế độ nghỉ hưu – đào tạo nội bộ” được coi là Hệ thống tuyển dụng kiểu Nhật, là biểu tượng của sự ổn định, tin cậy, trung thành trong mối quan hệ giữa công ty và người lao động.

Từ những năm 1920, chế độ tuyển dụng trọn đời đã trở nên cực kỳ phổ biến tại Nhật, đặc biệt là ở các tập đoàn lớn. Một trong những ví dụ điển hình là tập đoàn Toyota – một ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Toyota đã xây dựng một hệ thống tuyển dụng và phát triển nhân sự dựa theo chế độ tuyển dụng trọn đời. Họ cam kết cung cấp công việc ổn định và một môi trường làm việc tích cực để nhân viên có thể phát triển sự nghiệp và gắn bó trọn đời với công ty. Bằng cách này, Toyota đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự đầy kinh nghiệm và trung thành, đồng thời tạo ra sự ổn định và thịnh vượng cho tập đoàn.

Mặc dù nổi tiếng và được biết đến như một đặc trưng trong văn hóa kinh doanh của Nhật Bản, nhưng vẫn có rất nhiều hiểu lầm xoay quanh chế độ tuyển dụng trọn đời.

Tuyển dụng trọn đời đồng nghĩa với việc sẽ phải làm việc suốt đời 

Nguồn gốc của hiểu lầm này có khả năng liên quan đến vấn đề dịch thuật của cụm từ “Shūshin koyō”. James Abegglen, trong cuốn “The Japanese factory: Aspects of its social organization” xuất bản năm 1958, đã gọi hệ thống tuyển dụng trọn đời của Nhật bằng cái tên “lifetime commitment”. Từ “lifetime” khiến người ta nhầm tưởng rằng bắt buộc phải làm việc tại công ty từ khi được tuyển dụng cho đến khi…kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên, trong hệ thống tuyển dụng lao động tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới – bao gồm cả Nhật Bản – đều có chế độ nghỉ hưu. Điều này đồng nghĩa với việc, kể cả trong chế độ tuyển dụng trọn đời đi chăng nữa thì thời gian tối đa người lao động gắn bó với công việc của mình là đến độ tuổi nghỉ hưu. 

Tất cả các công ty ở Nhật đều áp dụng chế độ tuyển dụng trọn đời

Tuyển dụng trọn đời là cụm từ vô cùng phổ biến – đặc biệt là đối với người học tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản, hoặc đơn giản là có hứng thú với kinh tế và xã hội Nhật Bản. Sự phổ biến này khiến nhiều người coi chế độ tuyển dụng trọn đời là một chế độ chính quy, được quy định và bảo vệ bởi pháp luật, bất cứ công ty nào của Nhật cũng sẽ phải áp dụng chế độ này. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải một chế độ bắt buộc, các công ty có thể lựa chọn áp  dụng nó hoặc không. Các doanh nghiệp lựa chọn tuyển dụng trọn đời thường là những doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, trong các doanh nghiệp kể trên, không phải nhân viên nào cũng sẽ được ký hợp đồng vô thời hạn dựa trên nguyên tắc tuyển dụng trọn đời (những người được ký hợp đồng thường được gọi là 正社員 – seishain, tạm dịch là Nhân viên chính thức). 

Những năm gần đây, có rất nhiều ý kiến cho rằng tuyển dụng trọn đời đã không còn phù hợp, nhiều công ty đã bắt đầu thay đổi cơ chế tuyển dụng để phù hợp với tình hình kinh tế chung và tình hình của công ty. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Chính sách lao động Nhật Bản (JILPT) (1), tính đến năm 2015, có tới 88,7% người lao động tiếp tục duy trì chế độ lao động trọn đời, hay nói cách khác là lựa chọn tiếp tục gắn bó với công ty cho tới khi về hưu. Đây là một một con số rất cao trong bối cảnh có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự lụi tàn của chế độ lao động trọn đời. 

Tuyển dụng trọn đời đồng nghĩa với việc người lao động không được phép nghỉ việc, công ty không được phép sa thải

Không khó để bắt gặp những thông tin liên quan đến đến việc các ông lớn như Google, Microsoft, Amazon,..sa thải hàng nghìn đến hàng chục nghìn nhân viên. Tuy nhiên, những thông tin tương tự đến từ các công ty Nhật gần như… không có. Khác với các quốc gia khác, Nhật Bản có bộ quy định về sa thải/chấm dứt hợp đồng lao động vô cùng nghiêm khắc. Trong nhiều trường hợp, thậm chí doanh nghiệp không thể ngay lập tức sa thải nhân viên với lý do anh ta thiếu năng lực và làm việc không hiệu quả (2). Khi đó, công ty buộc phải xem xét lại liệu quy trình đào tạo đã phù hợp hay chưa, đã cho nhân viên bị đề nghị sa thải cơ hội để cải thiện hay chưa,.. cùng rất nhiều yếu tố khác, khiến cho quyết định sa thải bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, nếu công ty đã tạo điều kiện nhưng nhân viên không có sự cải thiện, qua đánh giá nhận thấy nhân viên không có khả năng phát triển trong tương lai,… đồng thời có đủ tài liệu để chứng minh điều đó, quyết định sa thải có thể sẽ được phê duyệt. 

Vậy người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động trước tuổi nghỉ hưu hay không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên quyết định này cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật và hợp đồng lao động đã được ký kết giữa công ty và người lao động. 

Cho đến thời điểm hiện tại, chế độ tuyển dụng trọn đời vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và văn hóa kinh doanh của Nhật Bản. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2007 và những biện pháp cải cách từ phía chính phủ, các doanh nghiệp đã tăng cường việc tuyển dụng lao động không thường xuyên, lao động hợp đồng để bổ sung vào lực lượng lao động chính thức. Sự bổ sung này tuy ít nhưng đang có xu hướng tăng, đặc biệt là trong những năm gần đây. 

Tài liệu tham khảo

  1. JILPT(2016) Kết quả Khảo sát về đời sống lao động lần thứ 7
  2. Vbest (2022) Sa thải nhân viên vì không làm được việc? Công ty có thể bị kiện vì sa thải không đúng luật?!

*Tiêu đề do người viết bài dịch

Người viết: Bùi Thị Thư