project manager data annotation
20Th6

Bí quyết thành công của Project Manager trong các dự án gán nhãn dữ liệu

Project Manager của dự án Gán nhãn dữ liệu cần phải có kỹ năng gì? Project Manager của dự án Gán nhãn dữ liệu thì khác gì các dự án thông thường? Cùng Pixta Vietnam tìm hiểu về bí quyết thành công của Project Manager – Hoàng Lê với nhiều năm thâm niên trong nghề nhé.

project manager data annotation

Gán nhãn dữ liệu (Data Annotation) dùng để làm gì?

Sau các chuỗi bài về Gán nhãn dữ liệu là gì?, Các kỹ thuật chú thích hình ảnh, Giải đáp về nghề Data Annotator, chắc chắn mọi người đã quen thuộc với thuật ngữ Data Annotation – một công đoạn không thể thiếu để việc “đào tạo” AI và Machine Learning (ML) có hiệu quả cao, trở nên nhất quán, chính xác khi đưa ra các dự đoán, tính toán hoặc ra quyết định. Đặc biệt trong các dự án ML, càng nhiều dữ liệu được chú thích và cung cấp cho model, thì model càng sớm có khả năng tiếp tục học một cách chủ động. 

Dabisik
Ảnh: Dabisik – PIXTA
Semantic Segmentation
Minh hoạ hình ảnh được gán nhãn dữ liệu thông qua phương pháp phân đoạn hình ảnh (Semantic Segmentation)

Vậy tập hợp những dữ liệu đã được gán nhãn (chú thích) sẽ lấy từ các dự án liên quan đến gán nhãn dữ liệu. Và như đã nói ở trên, tập dữ liệu càng lớn, càng đa dạng và được gán nhãn chính xác thì khả năng đào tạo thành công model sẽ càng lớn. 

Screen Shot 2023 06 20 At 10.04.59
Minh hoạ của một dạng gán nhãn dữ liệu thông qua các điểm nối cơ bản (Key points)
Screen Shot 2023 06 20 At 10.06.06
Minh hoạ cho phần thông tin về độ tuổi và giới tính đã được chú thích và gán nhãn dữ liệu

Sự khác biệt của Project Manager dự án gán nhãn dữ liệu với Project Manager của các dự án khác là gì? 

Thực tế mà nói thì tôi thấy việc quản lý các dự án gán nhãn dữ liệu không có quá nhiều sự khác biệt so với những dự án thông thường mà chúng ta vẫn biết.

Tuy nhiên, sự khác biệt không nhiều ấy lại rất đặc trưng và dễ nhận biết, có thể kể đến như: 

  • Đối tượng dự án: Là thông tin liên quan đến hình ảnh, video, audio, văn bản… 
  • Mức độ phức tạp: Từ trung bình tới rất cao, tuỳ thuộc vào đối tượng dự án cần chú thích là gì, theo phương pháp nào, khối lượng ra sao. Các dự án với khối lượng thông tin càng lớn, có phạm vi thu thập dữ liệu càng nhiều thì sẽ càng phức tạp. Đôi khi đan xen và dễ nhầm lẫn. 
  • Đội ngũ nhân sự: Đội ngũ nhân sự vận hành dự án khá đa dạng, từ những nhân viên chuyên gán nhãn dữ liệu (Annotator), tới đội ngũ kiểm soát chất lượng (QC – Quality Control Staff), cùng với những thành viên của đội kỹ thuật nghiệp vụ (Dev) và cả nhân sự quản lý dự án (PM – Project Manager) đều là những nhân sự có mức độ hiểu biết từ tổng quát đến chuyên sâu liên quan đến các dự án gán nhãn dữ liệu.

Các kỹ năng cần có trong nghề quản lý dự án gán nhãn dữ liệu là gì?

Nếu là một Project Manager dự án Gán nhãn dữ liệu (Data Annotation), các bạn sẽ cần đến khá nhiều kỹ năng mềm bên cạnh những kỹ năng quản lý thông thường để đảm bảo 2 tiêu chí sau:

  • Quản lý đầy đủ những hạng mục công việc chuyên môn, chi phí và cả rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.
  • Là cầu nối liên lạc, giúp đỡ, quản lý và thúc đẩy các bộ phận nhân sự liên quan trong dự án. 

Để hiểu hết về cách thức quản lý một dự án gán nhãn dữ liệu (Data Annotation), tôi cũng phải trải qua khá nhiều sóng gió, khó khăn trong việc vận hành những dự án đầu tiên được giao. Tôi sẽ liệt kê các công việc của Project Manager làm khi nhận 1 dự án ở dưới đây: 

  • Xác định và lập kế hoạch tổng thể cho dự án: Việc này sẽ bao gồm tất cả những thông tin chung nhất: Làm rõ yêu cầu của dự án (yêu cầu về chú thích, gán nhãn dữ liệu như thế nào?), thiết lập nhân sự cho dự án, cách thức thông tin liên lạc, các mốc quan trọng của dự án  và nhiều những vấn đề khác,… 
  • Thiết lập lịch trình thực hiện dự án: Dựa trên kế hoạch tổng thể với các thông tin liên quan đến các mục tiêu dự án. Hãy thiết lập lịch trình thực hiện (Timeline) cho dự án với các mốc công việc và các bộ phận phụ trách công việc đó. Bạn nên dành nhiều thời gian để bóc tách kỹ các hạng mục công việc để đảm bảo mọi công việc liên quan đến dự án đều được xác định và có bộ phận liên quan phụ trách. Việc phân tích kỹ càng Timeline của dự án sẽ giúp bạn quản lý ngân sách và thời gian thực hiện dự án được dễ dàng hơn.
  • Thiết lập các hướng dẫn liên quan đến công tác chuyên môn: Là người phụ trách quản lý dự án, bạn sẽ cần nắm chắc những yêu cầu từ phía khách hàng và những bên liên quan đến sản phẩm cuối cùng mà dự án sẽ mang lại. Nếu cần, hãy thảo luận thật kỹ càng với khách hàng và những bên liên quan để chắc chắn rằng bạn đang hiểu đúng vấn đề và sản phẩm tương lai mà dự án sẽ làm ra. Qua quá trình làm rõ thông tin, hãy ghi chú thật cẩn thận và phổ biến lại cho nhân sự trong dự án về yêu cầu, tầm quan trọng của việc nắm bắt và hiểu rõ những yêu cầu đó. Cuối cùng, hãy thể hiện những thông tin đó vào những bản hướng dẫn mà bạn sẽ sử dụng để thực hiện đào tạo những nhân sự tham gia dự án.
  • Tuyển dụng, đào tạo nhân sự: Trong quá trình làm việc với khách hàng, với các bên liên quan để làm rõ yêu cầu của dự án. Bạn hãy xác định được quy mô lớn nhỏ của nhân sự sẽ cần sử dụng cho dự án và từ đó, tiến hành tuyển dụng và đào tạo song song với những công việc khác. Hãy lưu ý về việc linh hoạt timeline thay vì thực hiện tuần tự từng bước trong quá trình thực hiện dự án. 

Là một Project Manager dự án Gán nhãn dữ liệu (Data Annotation), bạn sẽ cần nhiều hơn những thứ kế hoạch như đã nêu trên. Vì thực tế triển khai dự án sẽ có rất nhiều biến động như:

  • Biến động từ phía khách hàng: Dự án có thể đối mặt với rất nhiều những lần khách hàng thay đổi yêu cầu về sản phẩm cuối cùng của dự án. Đây là một thực trạng hoàn toàn có thể xảy ra và trên thực tế tôi đã từng nếm trải. 
  • Biến động về nhân sự: Tôi cũng như phải giải quyết rất nhiều những biến động về nhân sự và phải tự tay thực hiện một vài công đoạn công việc khi thiếu người. 
  • Biến động trượt Deadline: Dự án mà tôi quản lý cũng đối mặt với tình huống chậm bàn giao do các mốc công việc nhỏ trước đó không được đảm bảo. 
  • Và rất nhiều những biến động khó lường khác … 

Để “đối phó” với những khó khăn, biến động khó lường của một dự án Data Annotation, bạn cũng sẽ cần tới nhiều những kỹ năng mềm thiết yếu giúp vận hành, lèo lái con thuyền dự án đến đích với đầy đủ “hàng hoá”, đúng hẹn và an toàn. 

  • Lắng nghe chủ động và phản hồi tích cực: Khi dự án xảy ra sự cố, tôi khuyên bạn đừng “nổi đoá” và tự làm mình … nóng lên như hòn than. Thay vào đó, hãy bình tĩnh để lắng nghe một cách chủ động những báo cáo từ các bộ phận liên quan và đưa ra phản hồi tích cực cũng như cách thức xử lý những khó khăn tồn tại. Bạn, với vai trò là người quản lý dự án cần phải xử lý những tình huống phát sinh sẽ giúp cả team nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sự việc và khắc phục chúng thay vì mất thời gian quy kết, tìm nguyên nhân và đổ lỗi cho nhau. Nếu bạn có thể lắng nghe chủ động và phản hồi tích cực, bạn sẽ có một team thực hiện dự án đoàn kết, cùng hướng tới mục tiêu chung của dự án với tinh thần làm việc hăng say. 
  • Kỹ năng quản lý thời gian: Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc quản lý thời gian thật sự rất quan trọng. Nếu bạn phân tâm hoặc thậm chí thiếu sát sao trong quá trình quản lý thời gian thì bạn và cả team quản lý dự án sẽ nhanh chóng phải đuổi theo những deadline một cách khổ sở. Việc quản lý tốt thời gian biểu làm việc trong ngắn hạn cũng như timeline của dự án trong dài hạn sẽ giúp bạn phân phối các nguồn lực của dự án một cách khoa học để đảm bảo các mốc của dự án đều đạt được đúng tiến độ, hướng tới mục tiêu cuối cùng là hoàn thành dự án đúng hạn với chất lượng tốt nhất. 
  • Kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo hiệu quả: Giao tiếp và lãnh đạo hiệu quả không đơn thuần là việc đưa ra quyết định về việc ai sẽ làm việc gì, bộ phận nào thực hiện phần công việc gì. Mà còn là việc giải thích về công việc một cách khoa học, đầy đủ và đúng với yêu cầu của dự án và khách hàng. Là việc phân phối, liên kết các bộ phận nhân sự trong dự án một cách hợp lý, khoa học. Làm thế nào mà bạn có thể thực hiện những việc đó nếu bạn không có kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo hiệu quả cơ chứ? 
  • Thường xuyên nhìn lại những việc đã thực hiện trên tinh thần “phê và tự phê”: Phê và tự phê ở đây nghĩa là bạn sẽ cần đứng trên quan điểm là một nhà quản lý để tự phê bình, nhìn nhận những công tác trong quá trình thực hiện dự án trước đó có những sai sót gì để thay đổi khi cần. Ai cũng có những yếu điểm riêng. Và để trở thành một người quản lý dự án tốt, đôi khi bạn nên dừng lại và tự đánh giá lại bản thân và tìm ra những yếu điểm của chính mình. Việc thay đổi thái độ tiếp cận và dũng cảm loại bỏ những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện công việc của bạn sẽ không chỉ giúp bạn tiến bộ mà còn giúp cả nhóm thực hiện dự án cùng tiến về phía trước.

Lời kết

Ngoài việc “nằm lòng” những kỹ năng, kiến thức chuyên môn về gán nhãn dữ liệu, việc trang bị những kỹ năng mềm sẽ giúp bạn quản lý dự án tốt hơn. Nếu bạn định hướng rằng trong một tương lai không xa, mình sẽ trở thành một Data Annotation Project Manager, tôi khuyên bạn không nên bỏ qua những kỹ năng mềm nêu trên bên cạnh việc liên tục học hỏi những kiến thức, kỹ năng chuyên môn về gán nhãn dữ liệu. Biết đâu, trong một tương lai gán, bạn và tôi sẽ cùng làm việc trong khuôn khổ một dự án gán nhãn dữ liệu của Pixta Vietnam thì sao? Tôi nghĩ việc đó sẽ rất tuyệt! 

Chúc các bạn thành công! 

Tìm hiểu thêm về Pixta Vietnam

🌐 Website: https://pixta.vn/careers

🏠 Fanpage: https://www.facebook.com/pixtaVN

🔖 LinkedIn: https://www.linkedin.com/company/pixta-vietnam/